Khi cầm vào máy, nhờ có các đường viền bo tròn, máy cầm khá êm và chắc tay dù sở hữu kích thước khá lớn 156,6 x 78,7 x 7,99 mm và nặng 165 gram. Tuy nhiên, lớp nhựa bóng này lại để lại khá nhiều dấu vân tay khi cầm, rất dễ phát hiện nếu là phiên bản màu đen. Tất nhiên vì là phablet nên nó sẽ khó sử dụng bằng một tay và bất tiện trong việc sử dụng lâu dài.
Nhìn mặt trước, Desire 816 vẫn mang “dáng dấp” đặc trưng không thể nào nhầm lẫn được của HTC với phần màn hình đen cân đối ở giữa, 2 bên là loa BoomSound với 9 lỗ mỗi bên được khoan khá đẹp. Riêng phần trên góc trái có mặt của camera trước 5 Mpx cho “tự sướng” hay video call. Phần dưới máy, logo HTC được dời vào trong phần đen bao quanh màn hình. Trong khi đó, các phím điều hướng được dời hẳn vào trong màn hình chính. Nếu chưa bật màn hình, cầm trên tay ta thấy viền Desire 816 có thiết kế khá mỏng. Nhưng việc dời phím bấm vào màn hình chính tương tự như One M8 lại là một điểm không thật sự tốt, chiếm diện tích màn hình.
Mặc dù có thiết kế nguyên khối, cạnh viền của Desire 816 vẫn cho ta cảm giác như phía sau máy có nắp sau nhưng thực tế lại không như vậy. Riêng phần này có đôi chút thay đổi về vị trí phím bấm với phím nguồn + tăng giảm âm lượng ở cạnh trái, bản thân người viết không thích điều này bởi thao tác phím, đặc biệt là phím nguồn khá bất tiện do màn hình khá to cộng với phím bấm “trái tay”, do đó cần phải sử dụng cả 2 tay để thao tác nếu không muốn làm rơi. Bù là, phần phím này trồi lên khá thuận tiện khi bấm nhưng không bị cấn khi cầm.
Cạnh phải là một nắp đậy, khi mở ra sẽ có 3 khe cắm gồm 2 khe SIM và 1 khe cho thẻ microSD lưu trữ mở rộng. Còn lại phần đỉnh máy là nơi đặt lỗ cắm tai nghe 3,5 mm và đuôi máy là khe microUSB cho sạc và truyền dữ liệu qua cáp.
Bao bọc toàn bộ là vỏ nhựa nguyên khối. Riêng mặt sau máy với lớp nhựa bóng polycarbonate, góc bên trái là nơi đặt camera kèm đèn Flash theo chiều hướng lõm sâu 1 tý nhằm tránh trầy xước mặt kính camera máy.
Nhìn chung, máy có thiết kế đẹp, chắc chắn tuy vỏ bóng có nhiều nhược điểm cũng như vị trí phím nguồn chưa được thuận tiện.
Màn hình và giao diện
Khi bật màn hình, cảm giác đầu tiên là phần viền benzel đã làm màn hình thu nhỏ đi một chút và đây là điểm trừ tiếp theo cho thiết bị này. Giao diện Sense 6.0 màu sẫm đen quen thuộc cũng như màn hình lớn 5,5 inch có thể “bù” vào nhưng vẫn không thể che được khuyết điểm đó.
Mặc dù chỉ được trang bị màn hình IPS độ phân giải 720 x 1280 pixel không cao so với kích cỡ nhưng nhờ có mặt của công nghệ SuperLCD2, chất lượng hình ảnh hiển thị trên chiếc màn hình này vẫn khá tốt. Tuy nhiên, ta vẫn có thể thấy những đường răng cưa li ti nếu nhìn kĩ một chút.
Đặc biệt, màn hình này cũng được tích hợp các tính năng cho góc nhìn khá rộng, màu đẹp và sâu, đặc biệt là màu nâu đen.
Nhờ chạy nền tảng Android 4.4.2 KitKat với giao diện Sense 6.0 mới nhất, Desire 816 coi như sở hữu các tính năng như HTC đã trang bị cho “siêu phẩm” One M8 mới ra mắt gần đây như BlinkFeed cho cập nhât tin tức, giao diện tùy biến với nhiều lựa chọn theme, màu sắc khác nhau, tùy chọn sắp xếp icon ứng dụng,… khá đơn giản và tiện lợi.
Ngoài ra, việc sắp xếp các ứng dụng trên máy cũng khá trực quan với màu sắc bắt mắt… tuy không thể so sánh với các smartphone cao cấp nhưng nếu “đấu” ở phân khúc tầm trung, màn hình và giao diện của Desire 816 trở nên “đáng gờm”.
Hiệu năng
Với sự có mặt của bộ VXL lõi tứ Snapdragon 400 tốc độ 1,6 GHz của Qualcomm cộng với RAM 1,5 GB và bộ xử lí đồ họa (GPU) Adreno 305, những thao tác trên màn hình thực sự hài lòng. Những trải nghiệm ban đầu từ đơn giản đến phức tạp cho thấy, Desire 816 khó có thể “bó tay” ứng dụng nào: tốc độ lướt, chạm, mở ứng dụng cực nhanh, thao tác mượt mà…
Còn với những thử thách lớn hơn như chơi game đồ họa “nặng” hay mở những ứng dụng đòi hỏi khả năng xử lí cao, máy vẫn không mang đến cảm giác bị giật, lag hay bị đứng giữa chừng…
Tất nhiên, với việc tích hợp sẵn các kết nối hiện nay như Wi-Fi, Bluetooth, 3G, 4G… việc lướt web cực kì ổn định, đặc biệt với sự có mặt của công nghệ âm thanh BoomSound, việc nghe nhạc, xem phim… được Desire 816 thực hiện hết sức trơn tru và không có tình trạng “đơ” khi sử dụng.
Mặc dù là phablet nhưng điểm hạn chế của Desire 816 là chỉ trang bị viên pin 2600 mAh không thể tháo rời, do đó với những chặng đường xa, người dùng vẫn cần thêm pin dự phòng nếu sử dụng máy quá nhiều.
Camera
Đây có thể nói là điểm nhấn của máy sau thiết kế và phần cứng bên trong. Không cần đến công nghệ UltraPixel như trên One, cảm biến 13 Mpx khẩu độ f/2.2 với hàng loạt tính năng đi kèm như tự động lấy nét, nhận diện khuôn mặt, nụ cười, chụp và ghi video HDR… Thử chụp những bức ảnh đầu tiên, người chụp có cảm giác khá tốt với độ nét cao nhưng có vẻ như màu hơi nhạt. Khi zoom hình, độ sắc nét cũng giảm đi khá nhiều.
Còn với chụp đêm, nhờ sự hỗ trợ của đèn Flash, Desire 816 vẫn cho hình ảnh tốt nếu so sánh với các thiết bị ngang tầm.
Ngoài camera chính, chiếc camera trước 5 Mpx cũng làm tốt vai trò của mình khi cho những bức ảnh chụp đẹp, cũng khá sắc nét với màu sắc có phần đậm hơn camera chính một chút.
Kết luận
Bỏ qua những nhược điểm về thiết kế và những người dùng không thích thiết kế lớn, với mức giá hơn 8 triệu đồng, Desire 816 vẫn là thiết bị tầm trung đáng mua hiện nay nếu người dùng đặt tiêu chí hiệu năng cao, thiết kế đẹp và khả năng chụp ảnh tốt lên hàng đầu.
Ưu điểm
- Thiết kế đẹp
- Cấu hình mạnh so với mức giá
- Hiệu năng cao
- Camera chụp đẹp
- Màn hình hiển thị tốt
Nhược điểm
- Thiết kế vỏ nhựa bóng dễ để lại dấu vân tay
- Nơi đặt phím nguồn không thuận tiện
- Pin không thể tháo, dung lượng chưa cao so với 1 phablet
Phan Tuấn - Dân trí